Hơn 80% các chợ ở địa bàn nông thôn
Từ lâu trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn đã hình thành khá nhiều chợ. Đây không chỉ là nơi mua bán hàng hoá mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, trao đổi của người dân, vì thế từ xa xưa chợ như một nét văn hóa của vùng nông thôn Việt Nam. Ngày nay, bên cạnh các loại hình chợ truyền thống còn xuất hiện nhiều loại hình chợ mới như chợ đầu mối, chợ chuyên doanh... Sự phát triển đa dạng cả về quy mô và hình thức của hệ thống chợ đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy thương mại nội địa phát triển.
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh hiện có 160 chợ, trong đó có hơn 80% chợ nằm ở khu vực nông thôn. Mạng lưới chợ nông thôn bên cạnh kết quả mang lại vẫn còn mang một mẫu số chung, đó là: Mật độ các chợ chưa phù hợp, diện tích chưa đảm bảo trong khi hoạt động kinh doanh thương mại ngày càng phát triển; hàng hoá trao đổi tại chợ chủ yếu là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thông thường, hầu như không có mặt hàng chất lượng, giá trị cao, việc thanh tra, kiểm tra các loại hàng giả, hàng kém chất lượng tại các chợ này hầu như rất khó kiểm soát. Chưa kể đến điều kiện vệ sinh, môi trường, hệ thống cấp thoát nước và bãi chứa rác thải chưa hoàn thiện, thậm chí có chợ chưa có. Loại hình quản lý chợ còn mang tính tự quản, với 160 chợ nhưng chỉ có 17 ban quản lý và 01 doanh nghiệp còn lại là các tổ quản lý.
Trong khi đó, với các chợ thuộc các thành phố, thị trấn, thị tứ ở một số địa phương như Thăng Bình, Núi Thành, Đại Lộc là những thị trường kinh doanh tiềm năng với hàng nghìn công nhân tập trung làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện này nhưng hầu hết hạ tầng các chợ đều chưa được đầu tư đúng mức, chưa khai thác hết tiềm năng. Mọi thông tin thuê tham khảo tại alo nhà trọ
Cần sự tham gia của doanh nghiệp
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ có 228 chợ (tăng 68 chợ so với hiện nay). Gồm có 09 chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh; 04 chợ hạng I; 34 chợ hạng II và 181 chợ hạng III. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển mạng lưới chợ là 1.276 tỷ đồng. Việc quy hoạch được phân thành 3 cấp, riêng cấp cơ sở lấy các chợ xã làm hạt nhân phát triển kết hợp với các cửa hàng, điểm bán tạo thành tổ hợp thương mại phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của các tầng lớp dân cư trong khu vực xã, phường, thị trấn... Có thể thấy, việc quan tâm phát triển thêm 39 (181/142) chợ hạng III (đa số chợ hạng III đều nằm ở khu vực nông thôn) là sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc phát triển hoạt động kinh doanh thương mại ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.
Siêu thị Co.op Mart Tam Kỳ, TP Tam Kỳ, Quảng Nam - Một trong những mô hình do doanh nghiệp đầu tư
Định hướng phát triển hệ thống chợ như trên là phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt là việc quy hoạch 09 chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh bởi Quảng Nam là tỉnh có tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp lớn và một số địa phương chuyên canh các loại nông sản. Tuy nhiên để biến mục tiêu thành hiện thực là vấn đề không dễ bởi kinh phí đầu tư lớn. Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư cho phát triển hệ thống chợ hiện rất thấp. Để khắc phục khó khăn này, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ, trung tâm thương mại tại các thị trấn, thị tứ của các huyện trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hiện mới chỉ có các siêu thị ở khu vực thành phố là thu hút được doanh nghiệp tham gia, còn khu vực nông thôn, nhất là những xã nghèo, dân cư ít sẽ rất khó thu hút doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư bởi chi phí xây dựng chợ khá tốn kém, thu hồi vốn lâu và cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, rõ ràng. Đến nay chỉ có số địa phương triển khai các mô hình kinh doanh thương mại mới có hiệu quả như mô hình khu phố chợ Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn; mô hình khu phố chợ Nam Phước tại huyện Duy Xuyên.
Cùng với quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, sắp tới đây UBND tỉnh sẽ hoàn thành quy hoạch các điểm siêu thị nhỏ tại các địa phương, đây là điều kiện và cơ hội thuận lợi để người dân, đặc biệt là người dân nông thôn tiếp cận được những sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý và quan trọng hơn là thay đổi tập quán buôn bán manh mún tại các chợ nông thôn như thời gian vừa qua. Thay đổi diện mạo nông thôn không chỉ bằng những công trình nhà cửa khang trang, cổng ngõ văn hóa mà còn thể hiện qua “văn hóa mua sắm” của người dân.
Mới đây, tại cuộc họp ngày 18/4/2013 về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu các sở, ngành của tỉnh tiếp tục khảo sát, lựa chọn các vị trí có lợi thế để kêu gọi đầu tư xây dựng các loại hình thương mại như chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị… giai đoạn từ nay đến năm 2015 tại các khu vực đô thị, thị trấn, chợ nông thôn (ưu tiên các xã nông thôn mới), các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp có số lượng công nhân lớn... trên tinh thần huy động các doanh nghiệp đầu tư cùng với sự hỗ trợ về cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh đối với vùng đồng bằng và hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với vùng miền núi.
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Với định hướng đầu tư phát triển ngành thương mại của tỉnh trong thời gian tới, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, trong thời gian tới sẽ có nhiều cơ chế khuyến khích để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chợ đặc biệt là các chợ ở khu vực nông thôn nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.
Thái Hùng - http://nongthonmoi.net