Có mấy con số "khủng" mà báo chí viện dẫn. Đó là, biên chế các Hội-Đoàn thể tới hàng chục vạn; Ngân sách chi hàng năm cho mộ máy, biên chế khối Hội-Đoàn thể hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Nếu tính cả đất đai, trụ sở, xe cộ, phương tiện, nhà hàng, khách sạn của hệ thống Hội-Đoàn thể và một số nguồn vốn khác ( như kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí nguồn phi chính phủ...) thì chi hàng năm cho khối này lên đến trên dưới 50.000 tỷ đồng, chiếm 1-1,7% GDP cả nước ( Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách VEPR, 13.6.2016; Tuoitre.vn, 7.7.2016; Viettimes 13.6.2016; Dantri.com.vn 10.6.2016,, thesaigontimes.vn 17.5.2016 ...).
Đúng là con số "khủng". Nhưng tách bạch ra, thì Ngân sách nhà nước chi chủ yếu cho khối đoàn thể chính trị -xã hội, còn hỗ trợ khối các hội quần chúng không lớn như người ta nghĩ.
Chi ngân sách tốn kém nhất là chi cho cho bộ máy, biên chế. Hệ thống tổ chức chính trị xã hội đã ổn định, gồm Mặt trận và 5 đoàn thể ( Liển đoàn lao động, đoàn, hội nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến Binh và tổ chức Đoàn TNCSHCM), có ở cấp TW, tỉnh, huyện, xã. Chưa có số liệu đầy đủ, chính xác, nhưng chúng ta sơ bộ thế này: Hệ thống chính trị xã hội cấp TW bình quân trên dưới 300 biên chế/1 tổ chức (bao gồm biên chế khối văn phòng và các tổ chức trực thuộc thụ hưởng ngân sách), tổng số 6 tổ chức khoảng trên dưới 2.000 người. Cấp tỉnh bình quân trên dưới 150 biên chế/6 tổ chức, tổng số 63 tỉnh thành khoảng 10.000 người. Cấp huyện và tương đương bình quân trên dưới 15 biên chế/6 đoàn thể, tổng số 713 huyện khoảng 11.000 người. Cấp xã và tương đương bình quân 5 biên chế hoặc định suất, tổng số 11.164 xã, phường, khoảng gần 60.000 biên chế và định suất. Tính ra, khối đoàn thể chính trị xã hội cả nước phải cỡ trên dưới 80.000 biên chế và định suất, chủ yếu là biên chế.
Trong lúc đó, các hội quần chúng (tổ chức chính trị xã hội nghệ nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp...) đã và đang phát triển rộng rãi trong cả nước. Nhưng một số báo đưa tin cả nước có hàng ngàn hội đặc thù với trên dưới 8.000 biên chế là chưa chính xác. Cả nước hiện có gần 500 hội cấp toàn quốc và khoảng 5 ngàn hội cấp địa phương. Nhưng chỉ có các cấp hội đặc thù mới được nhà nước hỗ trợ biên chế và kinh phí. Trong đó, cấp TW có 28 hội đặc thù với 668 biên chế (2016). Cấp tỉnh bình quân 10 hội đặc thù/tỉnh (Hội chữ thập đỏ, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em, Liên minh HTX, Hội cựu TNXP, Hội nhà báo, Hội Liên hiệp VHNT, Liên hiệp các hội KH&KT, Hội Luật gia, Hội khuyến học...), chuyên trách khoảng 80 người (gồm cả biên chế và định suất, vì cán bộ chuyên trách nhiều hội đặc thù vừa trong biên chế, vừa người đã nghỉ hưu). Tổng số chuyên trách hội đặc thù 63 tỉnh, thành khoảng 5.000 (gồm biên chế và định suất). Cấp huyện bình quân 3 hội( chủ yếu là Hội chữ thập đỏ, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em, Hội khuyến học), định suất bán chuyên trách là chính, bình quân 3 suất/ huyện, tổng số 713 huyện và tương đương khoảng hơn 2.000 định suất, mức phụ cấp thấp. Cấp xã phương có định xuất bán chuyên trách, chủ yếu là hội khuyến học, nơi có, nơi không, chế độ rất thấp, chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Nếu quy về biên chế với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng thì các hội đặc thù chỉ khoảng trên dưới 5.000 biên chế. Riêng hệ thống Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam gồm 2 cấp Trung ương và tỉnh là một tổ chức hội lớn của đội ngũ trí thức KH&CN cả nước, nhưng biên chế của Trung ương hội chỉ trên 40 người, còn cấp tỉnh bình quân 5 chuyên trách (biên chế và định suất) cho một Liên hiệp hội cấp tỉnh.