Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Sửa đổi)
Đây là sự thể hiện việc Đảng và Nhà nước luôn coi trọng công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành, Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện và triển khai tích cực.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của nền kinh tế, nhiều quy định đã không còn phù hợp, nhiều nội dung mới cần được bổ sung. Vì vậy, việc sửa đổi và bổ sung Luật là cần thiết, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập.
Về tổng quan, Dự thảo Luật Bảo vệ NTD (sửa đổi) có 7 chương , 79 điều đã được biên tập chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở có tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, của các ngành, các tổ chức và các chuyên gia.
Theo ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, sau khi nghiên cứu, nhiều nội dung đã chỉnh sủa, bổ sung, để góp phần đảm bảo chất lượng của Dự thảo Luật, cần quy định theo hướng bao gồm cả “tổ chức” cùng với cá nhân là những "người tiêu dùng". Người tiêu dùng là người mua hàng hóa, dịch vụ, lao vụ sử dụng cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân và không vì mục đích kinh doanh. Quy định như vậy của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Người tiêu dùng bao gồm các đối tượng không chỉ là cá nhân tiêu dùng riêng lẻ mà còn là tổ chức (như doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, đoàn thể…) tiến hành mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho nhu cầu hoạt động, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức, không sử dụng để kinh doanh. Nói cách khác, các đối tượng này thực hiện việc mua hàng hóa, sử dụng các dịch vụ lao vụ cho hoạt động của cá nhân, tổ chức chứ không nhằm mục đích để kinh doanh tìm kiếm lợi ích kinh tế, tìm kiếm lợi nhuận.
Những đối tượng mua hàng hóa, dịch vụ để bán lại hoặc sử dụng làm nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được bảo vệ bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Bộ Luật Hình sự…
Trong mục này, ông Đặng Văn Thanh cho rằng không nên quy định sản phẩm, hàng hóa, mà chỉ quy định hàng hóa là đủ vì sản phẩm đã lưu hành trên thị trường, đã đem trao đổi và sử dụng thì là hàng hóa. Nếu quy định dịch vụ đi liền cùng hàng hóa thì phải quy định thêm cả lao vụ nữa, về bản chất dịch vụ, lao vụ cũng là một loại hàng hóa.
Cần có sự sắp xếp lại cho rõ và hợp lý hơn về quyền và nghĩa vụ. Ví dụ: Quyền hay nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa trước khi nhận, Quyền hay nghĩa vụ, hay cả quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, quyền hay nghĩa vụ góp ý với tổ chức cá nhân kinh doanh...
Về chính sách nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 7) theo ông Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, bao gồm 8 khoản là hơi dài, cần trình bày gọn lại. Một số quy định không phải chính sách mà là trách nhiệm quản lý nhà nước, ví dụ: khỏa 4: Triển khai các biện pháp tư vấn, hỗ trợ, khảo sát, đánh giá, thử nghiệm, tuyên truyền , phổ biến, hướng dẫn , quản lý , giám sát ...Khoản 7: Nâng cao đạo đức kinh doanh... Toàn bộ Chương II về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Đây là toàn bộ trách nhiệm của nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ trực tiếp, bên thứ ba được uỷ quyền cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, cần rà soát lại một số quy định để có tính khả thi cao hơn, sát thực tế hơn , hạn chế nững quy định mang tính chung chung có thể gây ra cách hiểu không thống nhất.
Đề cập về quy định về Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo ông Đặng Văn Thanh nên quy định hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, chứ không chỉ tổ chức xã hội. Có quy định riêng về quyền, nghĩa vụ Tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có quy định về nghĩa vụ và quyền của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vị những hàng hóa, dịch vụ liên quan nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp, ngoài các tổ chức xã hội nghề nghiệp có tôn chỉ mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Điều 48).
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (Sửa đổi) do LHHVN phối hợp với UB KHCN&MT của Quốc hội tổ chức ngày 9/2
Ngoài ra, theo Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh cần có một điều quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức xã hội nghề nghiêp tham gia bảo vệ quyền lợi người tiều dùng , với các quy định cụ thể như:
Tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thược phạm vi nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp phải theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chủ tịch Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam Đặng Văn Thanh góp ý thêm nội dung tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội nghề nghiệp phải bằng các hoạt động như; Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng hàng hóa dịch vụ thuộc nghề nghiệp của tổ chức xã hội nghề nghiệp; Tổ chức thương lượng, hòa giải các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc nghề nghiệp theo quy định tại Luật này khi có yêu cầu; Thực hiện khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ thuộc nghề nghiệp; Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch, chương trình, dự án và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…