Trong thực tế, sự khác nhau giữa nông thôn và thành thị không chỉ ở đặc điểm nghề nghiệp của cư dân, mà còn khác nhau cả về mặt tự nhiên, kinh tế và xã hội. Về tự nhiên, nông thôn là vùng đất đai rộng lớn thường bao quanh các đô thị (thành phố, thị trấn, khu công nghiệp, khu kinh tế...) những vùng đất đai này khác nhau về địa hình, khí hậu, thủy văn....Về kinh tế, nông thôn chủ yếu làm nông nghiệp (nông, lâm, ngư nghiệp, chăn nuôi...), cơ sở hạ tầng vùng nông thôn còn chưa đồng bộ, lạc hậu, thấp hơn đô thị. Trình độ phát triển cơ sở vật chất và kỹ thuật (điện, thủy lợi, cơ khí,), trình độ sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường cũng thấp hơn đô thị. Về xã hội, trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn cũng thấp hơn dân cư đô thị. Tuy nhiên những di sản văn hóa, phong tục tập quán cỗ truyền ở nông thôn lại thường phong phú và đa dạng hơn đô thị, ngoài ra mật độ dân cư ở nông thôn thấp hơn đô thị.
|
Ảnh minh họa |
Hiện nay có nhiều định nghĩa về nông thôn, tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì nông thôn được hiểu là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn, được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là Ủy ban nhân dân xã. Với định nghĩa này chưa thể phổ quát hết được đặc điểm của nông thôn. Vì vậy, có thể hiểu khái niệm chung nhất về nông thôn như sau: "Nông thôn là vùng đất đai rộng lớn với một cộng đồng dân cư chủ yếu làm nông nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, mật độ dân cư và thu nhập thấp hơn đô thị, được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là UBND xã".
Giáo dục đào tạo ở khu vực nông thôn trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, nâng cao kiến thức khoa học và đời sống, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Theo kết quả tổng điều tra về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục thống kê thì cả nước có 99, 4% số xã có trường tiểu học, nhiều tỉnh có 100% số xã có trường tiểu học, số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên năm 2011 chiếm tỷ lệ 11,2% (năm 2006 đạt 8,2%) trong đó trình độ trung cấp là 4,3% và đại học là 2,2%, tỷ lệ mù chữ của người dân nông thôn chỉ còn dưới 7%; cũng theo thống kê của Tổng Cục dạy nghề, tính từ năm 2010 đến năm 2013 đã hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Đề án 1956 gần 1,7 triệu người, trong đó khoảng 78% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất thu nhập cao hơn, 44,1% có việc làm nông nghiệp, 23,5% được doanh nghiệp tuyển dụng... Người học nghề nông nghiệp đã tiếp thu được kiến thức, kỹ năng cơ bản để hành nghề trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất, thu nhập. Tuy nhiên, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn cũng đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo con người phục vụ cho quá trình phân công lại lao động sản xuất, con người cho xây dựng nông thôn mới, con người với đảm bảo an ninh lương thực, con người với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn...
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn và những diễn biến
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn là việc thay đổi tỉ lệ của các ngành sản xuất vật chất và dịch vụ trong kinh tế nông thôn và các mối quan hệ của hệ thống kinh tế nông thôn theo chủ đích và định hướng đã định nhằm đạt trạng thái phát triển tối ưu và hiệu quả mong muốn hay nói cách khác, thực chất của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn là thực hiện phân công lại lao động giữa các ngành cho phù hợp với yêu cầu khách quan và đổi mới của đất nước, nhất là công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Trong những năm qua, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn Việt Nam được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhiều chủ trương chính sách đối với phát triển nông nghiệp nông thôn được ra đời như Kết luận số 97-KL/TW về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Bộ Chính trị; Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới....nhờ vậy chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra theo hướng tích cực, bảo đảm an ninh lương thực và góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; Cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn được chuyển đổi dưới nhiều hình thức đa dạng, phù hợp và cấp tiến, áp dụng rộng rãi tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần làm tăng năng suất lao động và thu nhập, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên địa bàn nông thôn giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 47% năm 2013. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, hiệu quả sản xuất được nâng cao và thu hút thêm nhiều lao động, góp phần giảm nghèo nhanh chóng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 9,6% cuối năm 2012 và dự kiến còn 7,8% vào cuối năm 2013, thành tựu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội của nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá cao (Việt Nam được vinh danh trong số 38 quốc gia được Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc - FAO công nhận thành tích nổi bật trong xóa đói giảm nghèo). Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, cũng theo kết quả tổng điều tra về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục thống kê thì giai đoạn 2001-2011, số hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản cứ qua 5 năm lại giảm đi khoảng từ 9% đến 10%, trong khi đó 2 khu vực công nghiệp xây dựng (CNXD) và dịch vụ lại tăng lên: khu vực CNXD tăng ở mức 4,5 - 5%, khu vực dịch vụ tăng chậm hơn ở mức từ 3,5 - 4,5%. An ninh lương thực quốc gia tiếp tục được đảm bảo, tuy diện tích trồng lúa giảm (khoảng hơn 300 nghìn ha) để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các cây trồng khác có giá trị cao hơn, nhưng sản lượng lương thực vẫn tăng, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng lúa gạo nước ta năm 2013 đạt trên 27,65 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với năm trước.
Các yêu cầu của chuyển đổi cơ cấu kinh tế đặt ra cho giáo dục
Từ đặc điểm của khu vực nông thôn Việt Nam cho thấy, trình độ học vấn, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn thấp hơn dân cư đô thị, vì vậy giáo dục nông thôn cần phải có những chương trình, nội dung phù hợp. Ngoài việc bám theo khung chương trình chương trình chuẩn đào tạo quốc gia, kiến thức nền ở khu vực nông thôn cần tiếp cận năng lực của người học là chính để định hướng nghề nghiệp và lao động việc làm, điều này hạn chế được lãng phí đào tạo cho cả người học và xã hội. Bên cạnh đó, phương pháp truyền thụ kiến thức cho người dân nông thôn cũng phải được đổi mới, dễ hiểu và trực quan sinh động hơn; các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong giảng dạy cần được áp dụng rộng rãi, nhất là hệ thống công nghệ thông tin, internet, quan tâm hơn cho đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị dạy và học. Giáo viên ở khu vực nông thôn cần phải phát huy tính tích cực của học sinh, tăng cường ứng dụng, vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, áp dụng các phương pháp giảng dạy gắng với thực tiễn của địa phương; trong kiểm tra, đánh giá, cần tăng cường các câu hỏi vận dụng và những vấn đề đặt ra đối với phát triển nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt phải coi trọng việc nhận xét đánh giá khách quan, toàn diện của giáo viên đối với học sinh nhằm đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng, phát hiện khả năng, năng lực của các em để định hướng trong việc dạy và học, xét tuyển lên lớp, phát triển nghề nghiệp... ; Ngoài ra người dân nông thôn có những di sản văn hóa, phong tục tập quán cỗ truyền thường phong phú hơn đô thị, vì vậy trong nội dung, chương trình cần phải phát huy giá trị này; đồng thời giáo dục phải gắng với văn hóa, truyền thống dân tộc, văn hóa làng... nhằm khơi dậy niềm tự hào của người dân trong học tập, lao động và sáng tạo khoa học.
Phát triển nguồn nhân lực nông thôn phải phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong đó giáo dục cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho nông dân để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi nghề, phát triển làng nghề, áp dụng các thành tựu mới trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Ngoài ra, giáo dục nông thôn cần mổ xẻ tính hai mặt của phát triển các làng nghề, mô hình kinh tế mới, các khu công nghiệp nông thôn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động sản xuất để định vị rõ sự cần thiết và tác hại của nó trong việc gây ô nhiễm đất, nguồn nước và không khí, làm suy thoái tài nguyên môi trường và ổn định xã hội nhằm tránh sản xuất và khai thác tự phát, không theo quy luật (đây là điểm dân cư nông thôn hay gặp phải) để hướng tới phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn trong tình hình mới mà trong đó giáo dục với trọng trách là người dẫn đường.
Cần hình thành các trường đào tạo nghề với nhiều ngành nghề phù hợp, đa dạng loại hình đào tạo để đáp ứng nguồn lao động tại chỗ, cho các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở kinh tế nhỏ lẽ và cho xuất khẩu lao động. Đồng thời, giáo dục cũng cần quan tâm đến đào tạo cho cán bộ quản lý chuyên ngành về nông nghiệp nông thôn, cho cán bộ hợp tác xã, các chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ...để chuyển biến nền nông nghiệp truyền thống đến giai đoạn nông nghiệp hiện đại nhằm thương mại hóa, chuyên biệt hóa, tiêu chuẩn hóa và quốc tế hóa, đáp ứng đa dạng hóa các thành phần kinh tế và quản lý xã hội nông nghiệp nông thôn trong yêu cầu mới.
Những cơ hội và thách thức cho giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn hiện nay
* Thách thức:
- Cách mạng khoa học kỹ thuật đang tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội từ nông thôn đến thành thị, kiến thức và khoa học của loài người đang tăng lên nhanh chóng, công nghệ luôn luôn thay đổi, điều này đòi hỏi giáo dục ở nông thôn phải bắt kịp xu thế này; bài toán giáo dục nông thôn phải giải quyết giữa trang bị tốt cho học sinh nông thôn về tinh thần và thái độ học tập, phương pháp tư duy khoa học, kiến thức cơ bản, ngoại ngữ... trong điều kiện khả năng, trình độ nhận thức và xã hội hóa học tập của người dân nông thôn và thành thị còn khoảng cách khá xa.
- Chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn còn thấp, chưa đồng đồng đều giữa các vùng, các ngành, chưa tạo được sự liên kết di chuyển lao động cho chuyển đổi ngành nghề và khu vực. Đặc biệt, lao động nông thôn luôn được xem có năng suất và hiệu quả thấp hơn khu vực thành thị bởi do trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật, thể lực, tính năng động, tính thích nghi và ý thức kỷ luật của lao động nông thôn còn hạn chế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2013 cho thấy, tỷ lệ người đang có việc làm của Việt Nam là cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng năng suất, chất lượng lao động còn hạn chế, tỷ lệ lao động ở nông thôn chiếm gần 70%, nhưng chỉ khoảng 13,4% trong số này được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
- Lao động nông thôn chưa thực sự mặn mà với học nghề và chuyển đổi nghề; có tư tưởng đứng núi này trông núi nọ, coi trọng bằng cấp, thích làm thầy hơn làm thợ; một số bậc phụ huynh chỉ muốn con em mình đi học đại học mà không muốn học làm công nhân. Theo GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam nói: "Chúng ta thường nói thừa thầy thiếu thợ, nhưng thực sự là thừa thầy yếu, thiếu thợ giỏi, Việt Nam đang có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và hàng trăm nghìn tiến sĩ, thạc sĩ. Tuy nhiên, lực lượng lao động xuất sắc này chưa được tận dụng triệt để, hơn 70% lao động ở khu vực nông thôn chưa được đầu tư thích đáng về chất lượng".
- Ứng dụng khoa học, thông tin công nghệ, phương pháp sản xuất mới trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, mô hình canh tác mới... chưa được chuyển giao một cách kịp thời và có hệ thống nên người nông dân chưa thực sự làm chủ khoa học công nghệ và sản xuất; người dân còn thiếu thông tin kinh tế thị trường, khởi sự doanh nghiệp, luật pháp...điều này tiếp tục đặt họ vào thế bất lợi trong sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
- Cơ sở vật chất các trường học và đào tạo nghề ở nông thôn còn lạc hậu, chưa đồng bộ nên khó khăn trong việc dạy và học, truyền thụ kiến thức; học viên ra trường chưa bắt nhịp được với công việc; chưa có sự liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp. Mặt khác, tâm lý chung của lao động nông thôn là đi học nghề tốn thời gian, phải nghỉ làm, ảnh hưởng đến thu nhập đang có.... thậm chí có người còn cho rằng không cần thiết phải học nghề cũng có thể làm việc được thông qua kiến thức cha truyền con nối, học hỏi kinh nghiệm, hoặc bị ức chế bởi dư luận xã hội học nghề ra cũng chưa chắc có thể tìm được việc làm..., mặc dù tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề có việc làm khá cao, khoảng 78% nhưng thu nhập và công việc không ổn định do kỹ năng nghề không cao, doanh nghiệp phải đào tạo lại; thêm vào đó do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn có xu hướng tăng lên, gần 9% trong năm 2013.
- Chính sách đối với lao động di cư chưa đồng bộ và rõ ràng nên gặp rất nhiều khó khăn cho tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và hội nhập với người dân bản địa trong quá trình di cư nông thôn- thành thị, nhất là tại những vùng đất chuyển sang làm công nghiệp hoặc dịch vụ, người dân sau khi nhận được một số tiền đền bù ít ỏi hoặc định cư không có đất sản xuất đã trở nên trắng tay, không nghề nghiệp, buộc phải di chuyển ra thành thị hoặc các địa phương khác, điều này ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý giáo dục và các vấn đề xã hội liên quan như: hộ khẩu và chính sách giáo dục, y tế học đường...; đời sống vật chất - tinh thần của nông dân còn thấp, nhất là khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đây là khu vực có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước, khoảng 300USD trong năm 2013; chênh lệch giàu nghèo có xu hướng gia tăng, giữa nông thôn và thành thị khoảng 9 lần, chi tiêu trung bình ở khu vực nông thôn ước tính bằng một nửa so với khu vực thành thị với con số lần lượt là 950 nghìn đồng/tháng và 1,9 triệu đồng/tháng nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giáo dục đào tạo và chất lượng cuộc sống; thị trường lao động nông thôn chưa phát triển, cung- cầu lao động mất cân đối.
- Một số ít giáo viên nông thôn chưa thực hiện hết chức năng sư phạm, chủ quan khi đào tạo ở môi trường nông thôn và thường có suy nghĩ ít bị giám sát, quản lý của cơ quan cấp trên nên hay bỏ tiết dạy không lý do, soạn giáo án sơ sài, thậm chí không soạn, kiến thức truyền thụ sai sót, thiếu tác phong sư phạm, bất chấp kỹ luật khi lên lớp giảng dạy như say rượu, ngôn từ thô thiển...
* Cơ hội:
- Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng giáo dục đối với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, xem đây là yếu tố quyết định đưa kinh tế nông thôn phát triển, góp phần ổn định xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Nhiều chính sách đầu tư phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được thực thi, nhất là tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình, được hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học...
- Chính phủ ban hành nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức khu vực nông thôn với mục tiêu tạo sự chuyển biến sâu sắc về chất lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn như đề án 500, 600...
- Trình độ nhận thức của người dân nông thôn tăng lên đáng kể trong những năm qua, các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng đã đi vào đời sống người dân, theo số liệu của Tổng cục thống kê có hơn 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới năng suất cao; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp triển khai khá rộng rãi, khoảng 72% diện tích lúa được sử dụng máy móc trong sản xuất và thu hoạch; thu nhập có khá hơn trong những năm trở lại đây, trung bình khoảng 600USD năm 2013. Lao động nông thôn ít nhiều cũng đã được thừa hưởng và có kinh nghiệm trong tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình canh tác mới, các kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp...
- Người dân nông thôn nói chung rất cần cù, siêng năng và chịu khó trong học tập, mong muốn thoát nghèo và thay đổi cuộc sống.
Giáo dục đào tạo có vai trò rất lớn đối với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, ngược lại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn cũng đặt ra cho giáo dục những yêu cầu mới trong công tác đào tạo, giảng dạy, nhất là đào tạo nghề. Vì vậy để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng CNH - HĐH, ngành giáo dục phải có những giải pháp cụ thể trong đào tạo, nâng cao năng lực nhận thức để tạo ra con người xây dựng nông thôn mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực nội sinh của khu vực nông thôn hiện nay. Giáo dục cần khẳng định vai trò để cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng CNH, HĐH gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn; đưa kinh tế nông thôn làm đòn bẩy trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, là nhân tố quan trọng bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội.