Chi tiết tin

A+ | A | A-

Sẽ đến ngày VN có hàng vạn Isaac Newton

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 16:16 | 11/12/2023 Lượt xem: 70

Làm khoa học là cả một chặng đường dài. Đừng sốt ruột bởi thành quả khoa học có khi cần hàng thế kỉ để đơm hoa kết trái. Hãy cứ đặt niềm tin rồi biết đâu đấy, một ngày trời đẹp, hàng vạn quả táo không biết từ đâu bất chợt đồ về, rơi nhầm vào ngần ấy TS của chúng ta. Khi ấy thì cơ man nào là Newton made in Việt Nam đấy nhé.

Phản hồi của bạn đọc về bài "Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta" cho thấy các nhà khoa học, nhất là khoa học xã hội xứng đáng được lắng nghe hơn, thấu hiểu hơn. Điều đó khiến tác giả phải viết thêm bài này, coi như nói đi thì phải nói lại, nhìn mọi thứ thì phải "biện chứng" và "duy vật", ngõ hầu tìm kiếm một sự công tâm...

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến cuối 2013, cả nước có khoảng 24.300 TS nhưng chỉ có 633 TS trực tiếp giảng dạy tại các trường CĐ, 8.519 là các giảng viên ĐH. Nhiều bài viết đã đặt câu hỏi, vậy 15.000 tiến sĩ còn lại đang ở đâu?

 

Ở nước ta, có 2 trung tâm nghiên cứu KH lớn là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Đáng tiếc là người viết không có con số chính xác số TS ở mỗi đơn vị này là bao nhiêu nhưng nếu phải đưa ra một con số ước tính thì có lẽ không quá 3.000 (căn cứ theo ước tính 50% số cán bộ có trình độ TS, Ths của VAST). Nếu tính toán một cách rộng rãi, cứ cho khoảng 2.000 TS khác đang công tác tại những Viện nghiên cứu trực thuộc các Bộ trực thuộc CP hoặc đã nghỉ hưu, vẫn còn lại khoảng 10.000 TS đang không trực tiếp hoặc thường xuyên làm nghiên cứu khoa học.

 

Khó lòng mà thuyết phục nếu đưa ra giả định 10.000 vị này đang thất nghiệp, không làm trong một cơ quan nhà nước nào bởi đã có ước tính rằng, nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ TS ở nước ta cao gấp 5 lần so với Nhật Bản.

 

Con số này hẳn sẽ cao hơn nhiều nếu tính từ cấp huyện, tỉnh. Hà Nội đã từng soạn một dự án hoài bão, phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền thuộc diện Thành ủy quản lí có trình độ TS. Sau gần 20 làm việc, tác giả bài viết có điều kiện đi công tác hầu hết các tỉnh trong cả nước và nhận thấy số cán bộ ban ngành ở địa phương có trình độ TS gia tăng nhanh chóng. Chỉ cần đến thăm vài cơ sở đào tạo sau ĐH ở Hà Nội, bạn sẽ ngạc nhiên về số NCS là cán bộ trong các cơ quan công quyền ở địa phương theo học.

Đừng cuống lên!

 

Nếu lấy số công trình in trên tạp chí quốc tế hàng năm trung bình là khoảng 880 ấn phẩm chia đều cho khoảng 24.000 TS, bạn có thể sẽ bị quy kết là suy luận kém hợp lí. Là bởi có đến non nửa số TS không làm khoa học và sẽ bất công nếu kì vọng họ phải công bố công trình đều đặn. Bạn có thể sẽ bị quy kết là phủ nhận công sức của chừng ấy trí thức, những người đang miệt mài làm việc trong các cơ quan quản lí nhà nước, từng ngày từng giờ vẽ ra bao điều lớn lao vượt tầm thời đại, chứ đâu phải nhỏ nhoi một bài tạp chí, một công trình nghiên cứu hay một sáng chế tầm thường.

 

Bạn có thể bị cho là ấu trĩ nếu cứ đồng nhất TS là phải làm nghiên cứu KH hay giảng dạy như thông lệ thế giới. Có hại gì đâu khi cán bộ quản lí ban ngành có học vị cao nhất trong hệ thống? Chẳng phải sẽ dễ dàng, thuyết phục hơn khi họ thẩm định các công trình của những TS khác? Là tấm gương cho người người đi học lên cao?

 

Bạn có thể sẽ bị cho là máy móc nếu cứ nhất thiết coi TS là phải có công trình KH mà nhất là phải xuất bản trên những tạp chí quốc tế. Làm gì phải to lớn thế, chả nhẽ việc chủ trì bao nhiêu đề tài KH cấp nhà nước, cấp bộ, cấp viện không có ý nghĩa gì? Việc ngồi bao nhiêu hội đồng chấm luận án, luận văn không phải là đóng góp? Rõ ràng rồi nhé. Đừng hỏi việc ứng dụng các đề tài ấy đến đâu, chất lượng những luận án ra sao vì nó là việc của người khác!

 

Bạn có thể sẽ bị coi là hẹp hòi, soi mói, đố kị khi cứ nhất thiết đỏi hòi mỗi TS phải chuyên sâu một vấn đề ở tầm chuyên gia. Đừng nghiên cứu hôn nhân mà bỏ qua gia đình, đừng nghiên cứu văn hóa mà sao nhãng bảo tồn, đừng nói về phong tục mà lơ là tập quán hay đừng kết luận mà thiếu đi khuyến nghị. Ngần ấy vấn đề phải giải quyết, mà quy chế của bộ thì chỉ có 150 trang với cơ man đề mục bắt buộc, sâu thì sâu đến đâu?!

 

Phải "liệu cơm gắp mắm"!

 

Đầu tư cho KH của Hàn Quốc là 4,5% GDP. Con số này ở Trung Quốc là 2,2%; Singapore 2,3%; Thái Lan 0,25% trong khi ở Việt Nam mới khoảng 0,5%.

 

Sự chênh lệch quá lớn. Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng nói "Hàn Quốc, một quốc gia 48 triệu dân nhưng đầu tư khoa học là 53 tỷ USD mỗi năm, số tiền họ đầu tư còn lớn hơn cả số dân. Còn Việt Nam hơn 80 triệu dân, số tiền đầu tư chỉ là 1 tỷ USD. Như vậy, cường độ Hàn Quốc đầu tư 2 năm bằng chúng ta đầu tư cả trăm năm". Đấy là chưa kể sự tham gia đầu tư hùng hậu của khối DNNN.

 

Hẳn bạn sẽ hoài nghi nếu biết lương thực tế của các nhà KH vì nó chả "khoa học" cho lắm. Như tôi,, sau 15 năm công tác, ở ngạch nghiên cứu viên chính, có phụ cấp trách nhiệm mà hàng tháng số tiền lương được nhận chỉ tròm trèm 5 triệu.

 

Thu nhập chừng ấy, đừng kì vọng, đừng đi mà so bì với người ta đấy nhé. Đành rằng hầu hết các nhà KH ở viện nghiên cứu chẳng bao giờ làm việc 8h một ngày, 5 ngày một tuần, đành rằng khá nhiều trong số họ dành thời gian đi làm thêm ở bên ngoài, đành rằng số lương ít ỏi đó gần như tự động trả ngay cả khi có nhà khoa học 10 năm liền chả viết lách gì, lưa thưa lên cơ quan độ chục giờ trong... một tháng. Phải nói rõ là khoản lương đó chưa phải là tổng thu nhập bởi có nhiều loại đề tài (cơ sở, bộ, nhà nước...) khác được cấp kinh phí thường niên, dẫu chưa nhiều nhưng con số vẫn là giấc mơ.

 

Nếu bạn cần con số thì con số đấy! Đừng hỏi vì sao hàng chục năm, 1 TS của ta mới có một công trình quốc tế. Chẳng phải vật chất quyết định ý thức đó sao? Đừng hỏi tại sao Indonesia hay Phillipine đầu tư cho khoa học ít hơn ta, có số tiến sĩ ít hơn ta mà lại có nhiều công trình hơn! Có thể đâu đó năm châu bốn biển có vài chục nước như thế, cũng không tính bởi đó là ngoại lệ. Mà dù có là như thế, đố bạn tìm thấy ở đâu nỗ lực tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông báo như ở nước mình nhé. Có không ít viện nghiên cứu chả từng tổng kết, mỗi năm tổ chức gần trăm hội thảo, trình bày, diễn thuyết. Nghe có nể không?

 

Người ta khác, mình khác. Mình còn khó khăn, các luận án TS phải giải quyết bao nhiêu là vấn đề thực tiễn trước mắt, chưa có điều kiện để giải quyết những vấn đề quốc tế quan tâm. Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long chả từng sốc với những luận án tập trung vào: "Các biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh" hay "Tắm giặt cho chiến sỹ miền núi". Đừng phủ nhận nỗ lực sáng tạo chia sẻ thông tin cho các trí thức tương lai trong nước khi có cả chợ luận văn, luận án trên mạng, sẵn sàng bán cho bạn với giá rất phải chăng. Đừng chỉ thấy rặt toàn tiêu cực ở các "lò" cung ứng chứng chỉ tin học, bằng ngoại ngữ nằm trên con phố ven Bộ Giáo dục, mang tên một nhà khoa học tài danh.

 

Đừng nhìn vào con số nữa!

 

Những con số bao giờ cũng khô cứng và không có linh hồn, bạn không nên mải mê nhìn vào chúng. Hãy cứ tự hào số lượng TS sĩ của chúng ta đứng hàng đầu trong khu vực, nhất là khi chúng ta còn nghèo khó.

 

Làm khoa học là cả một chặng đường dài. Đừng sốt ruột bởi thành quả khoa học có khi cần hàng thế kỉ để đơm hoa kết trái. Hãy cứ đặt niềm tin rồi biết đâu đấy, một ngày trời đẹp, hàng vạn quả táo không biết từ đâu bất chợt đồ về, rơi nhầm vào ngần ấy TS của chúng ta. Khi ấy thì cơ man nào là Newton made in Việt Nam đấy nhé.

 

Nguyễn Công Thảo, nguồn: vietnamnet.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ̉ phát triển...