Chi tiết tin

A+ | A | A-

Định hướng vai trò, vị trí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 16:13 | 11/12/2023 Lượt xem: 108

Định hướng vai trò, vị trí của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh

TS. Ngô Văn Hùng

UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng ta đã rút ra những bài học quan trọng; trước hết là phải nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - làm mục tiêu của cách mạng; đồng thời phải khẳng định rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, sự nghiệp cách mạng cũng đều là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cương lĩnh 2011, Đảng ta khẳng định: "Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo".


Nói về trí thức, có thể phân ra trí thức trong lĩnh vực khoa học- công nghệ và trí thức trong lĩnh vực văn hóa-văn nghệ. Lúc sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng và tin tưởng ở vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp cách mạng. Ngay sau cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công, Bác Hồ đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng - một nhân sĩ của Quảng Nam ra Hà Nội làm việc và trong lúc đi công tác xa, Bác đã giao cho Cụ làm Quyền Chủ tịch nước. Khi sang Pháp dự hội đàm, Bác biết rõ dã tâm của thực dân Pháp muốn xâm lược nước ta bằng vũ lực, gây chiến tranh, Bác đã hiệu triệu, tập hợp nhiều trí thức yêu nước về phụng sự đất nước, như Giáo sư Trần Đại Nghĩa trong lĩnh vực quân sự, vũ khí và nhiều trí thức nổi tiếng khác được đào tạo cơ bản dưới mái trường của chế độ thực dân, nhưng chúng không thể nào xóa bỏ được lòng yêu nước của họ, họ đã đi theo tiếng gọi của Bác Hồ-tiếng gọi của quê hương, dân tộc về tham gia kháng chiến và kiến quốc. Nhiều trí thức ở trong nước cũng đã đi theo Bác Hồ, theo cách mạng để góp phần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.


Để tập hợp, phát huy vai trò đội ngũ trí thức, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thành lập và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thông qua các tổ chức của trí thức. Đối với trí thức khoa học - công nghệ, sau khi hòa bình lập lại năm 1954, đã có nhiều hội chuyên ngành được thành lập và đến tháng 3-1965 thành lập Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam để tiến đến thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, nên mãi đến ngày 26/3/1983, tại Hà Nội, trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban liên lạc lâm thời các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (3/1965-3/1983), đại biểu của 15 hội thành viên (14 Hội Khoa học và Kỹ thuật ngành Trung ương và Hội liên hiệp Khoa học-Kỹ thuật Hà Nội) mới có điều kiện tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Đại hội đã thông qua Điều lệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; bầu ra Ban Chấp hành Trung ương do Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, kỹ sư Lê Khắc làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Đào Văn Tập, Giáo sư Lê Văn Thới và Giáo sư Đường Hồng Dật làm Phó Chủ tịch.


Qua hơn 30 năm hoạt động, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, được tổ chức rộng khắp trong cả nước với 125 hội thành viên, gồm 55 liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 70 hội, tổng hội ngành toàn quốc. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thu hút được trên 80 vạn trí thức khoa học và công nghệ, chiếm khoảng 1/3 trí thức hiện có của cả nước.


Xuất phát từ vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức nói chung, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật nói riêng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nên Đảng ta đã có những chủ trương quan trọng. Gần đây, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ra Nghị quyết về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ". Ngày 16/4/2010, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

HNCT42
Hội nghị Tỉnh ủy sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị .Ảnh:NVT

 

Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, ngày 7 tháng 3 năm 1991, Liên hiệp KH&KT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập. Đây là hội thành viên địa phương thứ tám của Liên hiệp hội Việt Nam. Từ năm 1997, do tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, nên Liên hiệp hội Quảng Nam cũng đã được chia tách từ đó. Đến nay, Liên hiệp hội Quảng Nam có 21 hội thành viên: Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội Cơ khí- tự động hóa, Hội Sinh vật cảnh, Hội Tin học- Viễn thông, Hội tập thể Trường Đại học Phan Châu Trinh, Chi hội Nhi khoa, Hội Châm cứu, Hội Làm vườn, Hội Đông y, Hội Dược học, Hội tập thể Trường Đại học Quảng Nam, Hội Kỹ thuật Cầu đường, Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Thông tin tư liệu, Hội Nghề cá, Hội Luật gia, Hội Y học, Hội Chăn nuôi - Thú y, Hội Kinh tế.


Nhìn chung, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt: tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; bảo vệ môi trường; giáo dục và đào tạo; thông tin và phổ biến kiến thức; phát triển cộng đồng và xóa đói giảm nghèo, nhất là các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN ở nông thôn, miền núi; tổ chức phong trào quần chúng tham gia hoạt động sáng tạo khoa học v à công nghệ, tổ chức cuộc thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên, nhi đồng; tham mưu tỉnh thành lập Giải thưởng Phạm Phú Thứ để tôn vinh trí thức; hợp tác trong và ngoài nước...


Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam còn những khuyết điểm, yếu kém: Chưa tập hợp được đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp; nội dung, hình thức hoạt động chậm đổi mới, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của tỉnh; chưa gắn kết được nhiều hoạt động khoa học và công nghệ của các hội thành viên với hoạt động của ngành, với sản xuất và đời sống; nhiều hội thành viên của Liên hiệp hội rất ít hoạt động, một số hội trong một thời gian dài không hoạt động. Hoạt động tư vấn phản biện còn nhiều lúng túng. Thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành ở các đơn vị trọng yếu. Mặt khác, điều kiện hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh như nơi làm việc, tổ chức cán bộ của Liên hiệp hội cũng còn nhiều khó khăn. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền chưa quan tâm đến việc tập hợp, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức...


Để nâng cao vai trò, vị trí của trí thức KH&CN nói chung, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong xây dựng và phát huy đội ngũ trí thức góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh trong thời gian đến, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và tổ chức Liên hiệp hội cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:


Trước hết, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần ba quan điểm chỉ đạo cơ bản của Bộ Chính trị tại Chỉ thị 42, ngày 16/4/2010 là: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là tổ chức chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có chức năng tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong và ngoài nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội thành viên và hội viên của các hội thành viên, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.


Phát triển Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.


Thực hành dân chủ, phát huy tinh thần yêu nước, tính sáng tạo và tính tích cực xã hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ là nội dung chủ yếu của quá trình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.


Thứ hai, bám sát các mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra đến năm 2020, các cấp, các ngành và bản thân Liên hiệp hội có chương trình cụ thể để xây dựng Liên hiệp hội trở thành tổ chức chính trị- xã hội vững mạnh. Có kế hoạch củng cố, phát triển các hội viên thuộc các ngành khoa học, các chi hội tập thể ở các trường cao đẳng, đại học, các đơn vị sự nghiệp kinh tế, văn hóa, xã hội, các địa phương; khuyến khích phát triển các tổ chức KHCN của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khoa học - sản xuất.


Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần có chương trình, kế hoạch trong việc tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức phục vụ cho sự phát triển, trước hết là công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Lắng nghe ý kiến xây dựng của giới trí thức, tạo điều kiện để giới trí thức tham gia phản biện hầu hết các chương trình, dự án phát triển của tỉnh, ngành, địa phương. Chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, các ngành, địa phương phải gắn với sử dụng, bố trí và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức làm việc. Đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu đàn.


Thứ tư, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác Hội nói chung, hoạt động của Liên hiệp hội nói riêng. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu của các cơ quan chuyên trách của cấp ủy, chính quyền và thực hiện đồng bộ các chính sách của Nhà nước đối với Liên hiệp hội. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý hoạt động KHCN, gắn cho được hoạt động KHCN với các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, địa phương. Đẩy mạnh hoạt động KHCN phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học của các trường đại học, cao đẳng của tỉnh.


Thứ năm, nâng cao năng lực nội sinh về trình độ tiếp thu, làm chủ công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Để làm được việc đó, đòi hỏi Liên hiệp hội và các hội thành viên phải thật sự đổi mới trong hoạt động nhất là gắn hoạt động của Hội với sản xuất, đời sống của nhân dân; thực hiện cơ chế liên kết giữa 4 nhà: nhà khoa học - nhà nông- doanh nghiệp- nhà nước; thực hiện có hiệu quả hợp tác KH&CN trong và ngoài nước để nâng cao năng lực hoạt động của từng hội viên. Liên hiệp hội cũng cần quan tâm về trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao bản lĩnh chính trị và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.


Nguồn: Thông tin TUYÊN GIÁO, Số 9/2013

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ̉ phát triển...