Chi tiết tin

A+ | A | A-

Xuân mới, lại bàn về trí thức

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 16:12 | 11/12/2023 Lượt xem: 89

PGS, TS Đức Vượng, Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực - ISSTH

Có người nói người trí thức và mùa xuân có mối duyên nợ giăng tơ. Sự thật chứng minh không thấy hiện tượng này. Người trí thức đi con đường của người trí thức. Mùa xuân đi con đường của mùa xuân. Mùa xuân thường tươi xanh, sắc nước hương trời, trăm hoa đua nở, đất trời phởn phơi, còn người trí thức thường phải tư duy, trăn trở, trở thành già nua, đạo mạo, dáng vẻ như cây mùa đông. Vì vậy, giữa mùa xuân và người trí thức dường như không hòa đồng.

 

Tiếp cận vấn đề trí thức nước nhà, chúng tôi gặp một số khó khăn khi nghiên cứu, vì trước chúng tôi, tại Việt Nam, đã có khá nhiều cuốn sách, bài viết, đề tài nghiên cứu về vấn đề này. Rồi trên thế giới cũng đã có hàng triệu cuốn sách, bài viết, chuyên đề về vấn đề trí thức. Trong lúc chúng tôi đang ngồi viết về vấn đề trí thức, qua internet, thấy ở những nơi xa xôi trên thế giới đã công bố những cuốn sách rất hay về vấn đề trí thức, trong khi đó, chúng ta chỉ làm được cái việc "gà què ăn quẩn cối xay", chỉ có thể nghiên cứu trí thức Việt Nam, còn trí thức thế giới thì chưa rõ họ đang nghĩ gì, làm gì? Đọc một vài cuốn sách viết về trí thức thế giới cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với chúng ta là phải tiếp cận những vấn đề sát thực của tình hình trí thức trên thế giới và trí thức nước nhà, trên cơ sở đó mà đề xuất những phương hướng, giải pháp, góp phần xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam phục vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ nước nhà. Không tiếp cận được với trí thức thế giới, hẳn rằng, không hiểu tường tận về trí thức Việt Nam.

Đại học Havard - Mỹ

Mấy ai đánh giá được một cách đúng đắn, sát thực về tình hình đội ngũ trí thức nước nhà hiện nay! Có một nhà trí thức lớn bảo tôi rằng; nghiên cứu trí thức Việt Nam làm gì cho mất công, vì có ai chịu ai đâu; lãnh đạo nghĩ một đàng, trí thức tư duy một nẻo. Khi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang tung hoành, thì làm sao mà tập hợp được một cộng đồng trí thức cố kết? Ngay cả việc nêu khái niệm, định nghĩa trí thức hiện nay cũng rất khác nhau, thậm chí cãi nhau trong các cuộc hội thảo khoa học. Có người định nghĩa thiên về chính trị chay, có người định nghĩa thiên về khoa học chay, có người định nghĩa thiên về cảm tính, có người định nghĩa thiên về lý tính. Lý tính và cảm tính đều được cho là đúng. Có người nói khoa học là khách quan, còn chính trị là chủ quan, nhưng làm khoa học trong thời buổi này đôi khi cũng phải thích nghi với bối cảnh xã hội, nhất là những người làm khoa học xã hội, khoa học nhân văn. Có người cho rằng, tầng lớp trí thức phải là những nhóm người không giai cấp, mà họ cũng chẳng lệ thuộc vào giai cấp nào trong xã hội. Có người nói "trí thức" nói chung, nhiều khi lại hóa thành "trí ngủ", lim dim đôi mắt mơ màng suy ngẫm sự đời, việc đời. "Lắng nghe", "vâng lời" đã trở thành "mốt" trong các cơ quan công quyền. Sức ỳ của tư duy và sự vô cảm thường ẩn náu trong người trí thức hiện nay. Sự bất bình đẳng trước pháp luật và sự không công bằng trong việc đối xử với các hạng trí thức hiện nay đã dẫn đến tình trạng phân cách trong giới trí thức nước nhà. Có người nói rằng, nhiều trí thức Việt Nam rất muốn tham gia vào đời sống chính trị, nhưng lại bị cái vô hình hoặc hữu hình nào đó ngăn lại. Những quyền lợi của trí thức Việt Nam hiện nay chưa được nhà nước bảo vệ, chở che. Ở đây, không chỉ là số phận của khoa học, mà còn là số phận của tinh thần, tâm hồn người trí thức. Khi con người không tin vào chính trị thì lại chuyển sang tin vào tâm linh, làm cho tâm linh phát triển lan rộng trong xã hội. Tinh thần, tâm hồn thường mang sắc thái của tự do, nhưng lại chịu sự ràng buộc bởi thể chế, cho nên đã đẩy tới sự ngập ngừng, do dự khi viết, nói và công bố các công trình. Tinh thần, tâm hồn là cái ẩn giấu bên trong, còn thể chế lại là cái bộc lộ bên ngoài. Cái bên trong nếu được thanh thản sẽ là nguồn cảm hứng của nghiên cứu sáng tạo, giá trị, phẩm giá, chất lượng công trình. Còn một khi đã bị cái bên ngoài ràng buộc, thì nguồn cảm hứng nghiên cứu sáng tạo của cái bên trong bị ngưng trệ. Đến khi nào cái bên trong hài hòa với cái bên ngoài, nhất trí với cái bên ngoài, đồng thuận với cái bên ngoài, thì khoa học sẽ được tôn vinh và trở thành văn hóa trong khoa học. Trí tuệ của con người là tư duy đẳng cấp thượng lưu, nhưng một khi nó bị lực cản thì sẽ quay trở về với nếp suy nghĩ tầm thường, lơ lửng giữa dòng đời. Nhiều người trí thức chân chính khát khao sự thật, khát khao cống hiến, nhưng sự không công bằng lại đến với họ, dẫn đến sự rủi ro, làm chùng lại những cảm hứng nghiên cứu sáng tạo và trở nên bất bình thường. Có nhà khoa học an bài với số phận, đem quy những cái bất bình thường đó thành cái bình thường trong cuộc sống và trong nghiên cứu khoa học, có nghĩa là chịu làm việc theo kiểu "sớm vác ô đi, tối vác ô về", hành chính hóa và tầm thường hóa nghiên cứu khoa học. Người ta chỉ có thể hành chính hóa và tầm thường hóa công việc hằng ngày, chứ không thể hành chính hóa và tầm thường hóa nghiên cứu khoa học.

 

Đại học Uppsala - Thuỵ Điển

 

Nhiều người có học vấn cao, nhưng lại thiếu thực tế, dẫn đến tình trạng mù mờ về tư duy đổi mới và sự thờ ơ, lãnh đạm với thời cuộc. Lại cũng có những người học vấn cao, bậc trí giả, nhưng lại sa vào lý luận suông, bàn suông, nói suông, lộng ngôn, nói nhưng không làm, nói một đàng, làm một nẻo, chẳng ăn nhập gì với đời sống xã hội. Họ sống chơi vơi, thoát ly hoàn cảnh. Người nhiều chữ thường hay phức tập vấn đề, trong khi cuộc sống lại rất giản đơn và thực dụng. Tạo ra một niềm tin trong lúc này quả là một sự lựa chọn khó khăn.

 

Trên thế giới, người ta nói nhiều đến cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiền tệ, nhưng đọc trên các trang mạng quốc tế, tôi chưa thấy ai nói đến cuộc khủng hoảng con người, khủng hoảng trí thức. Vì vậy, đã đến lúc phải tính đến yếu tố này. Trên thực tế, có người trí thức rất giàu, nhưng lại có người trí thức rất nghèo, "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi". Những người trí thức giàu, tiền là số dương thì cũng có nghĩa là những người trí thức nghèo, tiền là số âm. Người trí thức nghèo, ngập sâu trong nợ nần, còn người trí thức giàu lại thực hiện việc ban phát, thả sức ăn chơi. Trí thức ở cương vị lãnh đạo, quản lý và trí thức doanh nhân là những trí thức giàu do bổng lộc và lợi nhuận mang lại cho họ. Trí thức làm khoa học "chay" là những trí thức nghèo. Mặc dù, anh trí thức nghèo có viết hàng trăm lá đơn để mong được xin - cho, nhưng rút cục thì "chiếc cối xay gió" vẫn quay bình thường, có nghĩa là ai giàu vẫn giàu, ai nghèo vẫn nghèo, chẳng ai "cho", trong khi người "xin" lại rất nhiều. Có chăng, chỉ nhận được một vài lời an ủi. Người có tiền vẫn thả sức tiêu dùng, còn người không có tiền vẫn phải ngậm đắng nuốt cay, và mọi cái, cuộc sống vẫn an bài. Cuộc sống nhiều khi như những con cá. Cá sống nước trong veo quá cũng chết, vì không có gì để ăn. Còn cá sống nước đục quá cũng chết, vì nhiễm phải nhiều chất bẩn.

Đại học UNAM - Mexico

Những nhà trí thức hoạch định chính sách vẫn tin chính sách của mình làm ra là đúng. Nhưng thực tế cuộc sống xã hội lại chuyển động theo một chiều hướng khác. Cũng như có những nhà trí thức làm quản lý kinh tế, tài chính thế giới, gửi lòng tin vào thị trường thương mại và thị trường tài chính quốc tế sẽ tự điều chỉnh, cho đến khi buộc họ phải đối mặt với thực tế là sự khủng hoảng, nợ công chất chống trên quy mô lớn ở chính đất nước mình và họ vẫn ôm chặt vòng ôm vào nền kinh tế đât nước của họ như một cô gái ngây thơ ôm chặt vòng ôm vào người mình yêu dấu mà không biết rằng người "mình yêu dấu" đang bị "căng xe" bên trong. Nhiều khi bóng bẩy, mịn màng làn da, nhưng có biết đâu rằng, trong nỗi sâu thẳm của cơ thể là tim gan đang bị ung nhọt. Nếu không nhanh chóng cứu chữa, tất sẽ phải "tử". Joseph E. Stiglitz, tác giả của cuốn sách dày trang "Rơi tự do" (Freefall), bình luận rằng, "bất cứ ai nhìn kỹ vào nền kinh tế Mỹ đều có thể dễ dàng thấy tồn tại của các vấn đề lớn trên tầm "vĩ mô" cũng như "vi mô", nhưng sự thật đây là nền kinh tế đã được duy trì bởi một bong bóng không bền vững". Một nước khổng lồ về kinh tế mà còn "bong bóng", huống chi những nước nhỏ, kinh tế liệu có tan như "bọt xà phòng" không? Điều đó thỉ chẳng ai dám nói trước.

 

Con đường tiến lên của trí thức nước nhà phải là con đường gắn với dân tộc mình, đất nước mình, cộng đồng 54 dân tộc anh em của mình. Những bậc trí thức tiền bối thời kỳ dựng Đảng và Cách mạng tháng Tám đã làm được điều này, chúng ta cũng nên làm như vậy. Kêu ca, phàn nàn là một mặt, nhưng mặt khác còn quan trọng hơn là đề xuất những giải pháp xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống "dễ thở", một nước Việt Nam văn minh, văn hóa, khoa học và công nghệ phát triển cao. Đó là lương tâm, danh dự, bổn phận, chức phận của người trí thức Việt Nam trong thể chế dân chủ, cộng hòa. Trí thức nước nhà phải là những "tinh hoa trí tuệ" của dân tộc. Thoát ly khỏi dân tộc mình, đất nước mình, nhân dân mình là sự thoát ly chính cuộc sống của mình. Sự gắn kết của người trí thức với dân tộc, đất nước, nhân dân là sự gắn kết bền vững nhất của người làm khoa học và cũng chính là cuộc sống chân chính của một công dân xã hội.

Nguồn: http://www.nhantainhanluc.com/

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ̉ phát triển...