Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bác Hồ với đội ngũ trí thức

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 14:35 | 09/03/2023 Lượt xem: 121

Nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 về đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, Ban biên tập xin giới thiệu những nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức của Bác Hồ đối với đội ngũ trí thức trong tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành phục vụ cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

1. ... Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.

 

Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ, ngày 25-5-1947, sđd, t.5, tr. 131.

2. ... Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế. Chứng thực là trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, những người trí thức Việt Nam đã chung một phần quan trọng. Một số thì trực tiếp tham gia vào công việc kháng chiến, hy sinh cực khổ, chen vai thích cánh với bộ đội và nhân dân. Một số thì hăng hái hoạt động giúp đỡ ở ngoài.

Trả lời một nhà báo nước ngoài, ngày 22-6-1947, sđd, t.5, tr. 156.

3. ... Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều.

Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ.

... Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.

Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.

Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận.

Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên.

Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích.

Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.

... Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng.

Sửa đổi lối làm việc, tháng 10-1947, sđd, t.5, tr. 235, 238.

..Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.

Các bạn là viên chức của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể dân chủ cộng hòa của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ.

...Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" cho nhân dân noi theo.

Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, tháng 2-1948, sđd, t.5, tr. 381, 382.

4. ... Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, "giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại".

Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính. chí công, vô tư.

Lời ghi ở trang đầu Sổ vàng truyền thống Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương,
tháng 9-1949, sđd, t.5, tr. 684.

5. ... Thương yêu người bệnh - Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang.

Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.

"Lương y phải như từ mẫu", câu nói ấy rất đúng.

Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế, tháng 2-1955, sđd, t.7, tr. 476.

6. ... Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm. Bác nói thế là hết. Văn hay không cần nói dài.

Nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị sư phạm,
tháng 7-1956, sđd, t.8, tr. 225

7. ... Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, "Cố gắng trau dồi tư tưởng nghiệp vụ văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động".

Nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội nhà báo Việt Nam, ngày 8-9-1962, sđd, t.10, tr. 616.

8. ... Để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân; giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân.

Nói tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, ngày 1-12-1962, sđd, t.10, tr. 647.

9. ... Các đồng chí phải là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, kỹ thuật; phải góp tài góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội của nước ta, làm cho nhân dân ta sản xuất và công tác theo khoa học và đời sống của nhân dân ta văn minh, tức là khoa học, lành mạnh và vui tươi. Đó là nhiệm vụ rất nặng nề mà cũng rất vẻ vang.

Nói chuyện tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam,
ngày 18-5-1963, sđd, t.11, tr. 78-79.

10. ... Thiết kế và xây dựng phải làm cho chắc, cho kỹ. Tránh làm ẩu rồi phải chữa đi chữa lại, vừa lãng phí sức người, sức của, vừa không tốt cho sản xuất.

Phải tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Phải giữ gìn tốt máy móc, vì đó là do mồ hôi máu mủ của nhân dân ta mà ra.

Nói chuyện với công nhân, cán bộ ở Uông Bí, Quảng Ninh,

ngày 2-2-1965, sđd, t.11, tr. 384.

Các tin mới hơn:

Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ̉ phát triển...