Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đổi mới giáo dục phổ thông – Những vấn đề cần suy nghĩ

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 15:59 | 11/12/2023 Lượt xem: 142

Nghị quyết số 29 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới giáo dục toàn diện đã đặt ra nhiều yêu cầu mới trong sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo hiện nay, đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể xã hội cần phải có cái nhìn tổng quan hơn về nền giáo dục đương thời. Nhiều câu hỏi đặt ra đối với giáo dục phổ thông về cách tiếp cận của học sinh đối với nội dung chương trình và phương pháp dạy học hiện nay, có ý kiến cho rằng chương trình cũ đưa học sinh tiếp cận nội dung là chính, còn chương trình mới tiếp cận năng lực học sinh là chính... Nhưng dù cách tiếp cận thế nào đi nữa thì phát triển giáo dục phổ thông hiện nay phải đảm bảo được phát triển năng lực và phẩm chất của người học, nhận thức của học sinh phải được tích hợp từ nội dung chương trình và liên thông qua các cấp học, từ đó nó phải đảm bảo mục tiêu về kiến thức liên thông, tổng hợp, tạo cho học sinh có cái nhìn toàn diện về những môn học và cấp học.


Năng lực kiến thức phải đi đôi với phẩm chất đạo đức, thẩm mỹ, trí tuệ, dạy người và dạy nghề và điều quan trọng phải đặt trong mối quan hệ và so sánh với nền giáo dục phổ thông của ta với các nước trong khu vực và thế giới.

* Đặt vấn đề về đổi mới từ đâu


- Đổi mới từ nội dung chương trình: Có thể nói, để xây dựng nội dung chương trình theo yêu cầu đổi mới hiện nay là rất khó khăn, lâu dài, tác động đến nhận thức hệ. Vì vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, nội dung cần đảm bảo những kiến thức căn bản, cần thiết, thiết thực, hiện đại, phù hợp với lứa tuổi, trình độ, không những thế cần phải có sự phù hợp với chương trình của các nước trong khu vực và thế giới để phục vụ cho công tác hội nhập và toàn cầu hóa. Vì vậy, nhất thiết khung chương trình cần phải có sự tiệm cận theo khung chuẩn quốc tế, phát triển các bộ sách giáo khoa cần phải dựa theo khung chuẩn này.


Chương trình giáo dục phổ thông và nội dung phải liên thông từ lớp 1 đến lớp 12 và tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở những lớp trên, đặc biệt là cấp Trung học phổ thông và tương đương. Nội dung phải đảm bảo về phát triển tư duy, năng lực nhận thức, năng lực tiếp cận nghề nghiệp, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, ngày nay với sự tràng ngập thông tin trên internet, tác động của cơ chế thị trường, quan hệ ứng xử, văn hóa giao tiếp thay đổi... nên học sinh dễ bị lây nhiễm. Vì vậy trong nội dung đổi mới cần tăng cường dạy người về năng lực phẩm chất đạo đức, lối sống, quan hệ xã hội; giữ gìn, phát huy giá trị của văn hóa, lịch sử dân tộc; kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, xây dựng con người chân chính...


- Đổi mới từ giáo viên: Giáo viên phải phát huy tính tích cực của học sinh; tăng cường ứng dụng, vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, áp dụng phương pháp seminar trong giảng dạy các môn học, các hoạt động ngoại khóa... Trong kiểm tra, đánh giá, khuyến khích giáo viên tăng cường các câu hỏi vận dụng, ra đề thi dưới dạng đề mở. Đặc biệt phải coi trọng việc nhận xét đánh giá khách quan, toàn diện của giáo viên đối với học sinh nhằm đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng và phát hiện khả năng, năng lực của các em để định hướng trong việc dạy và học, phát triển nghề nghiệp.


Ngoài ra, cần phải đánh giá lại mức chuẩn của giáo viên hiện nay, theo báo cáo tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Bộ Giáo dục Đào tạo thì giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn của nước ta khá cao, cấp tiểu học (2012-2013 đạt 99,69%), cấp THCS (2012-2013 đạt 99,33%), cấp THPT (2012-2013 đạt 99,61%), đây là con số cần phải cân nhắc trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho những giai đoạn tiếp theo để phục vụ chương trình đổi mới, đánh giá mức chuẩn và trên chuẩn cần phải có tiêu chí, so với ai, cơ quan nào kiểm định...


- Đổi mới từ cách tiếp cận của học sinh: Trước đây học sinh các cấp tiếp cận từ sách vở là chính, ngày nay với nhiều phương tiện kỹ thuật hỗ trợ, nhà trường cần khai thác tối đa kỹ thuật này để tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức, dễ tiếp thu, dễ hiểu hơn. Bên cạnh đó, nhà trường cần tăng cường các buổi học ngoại khóa, học nhóm, tổ chức các buổi seminar, thảo luận theo từng chủ đề... Đặc biệt, kỹ năng học nhóm và phát triển nhóm nên phát triển từ học sinh cấp 2 trở lên. Hiện nay tại một số địa phương đã áp dụng kỹ năng thực nghiệm từ cấp 1, nhưng học sinh cấp 1 thì khả năng nhận thức, phát huy kỹ năng nhóm chưa cao, tập trung lại nói chuyện, vui đùa là chính. Vì vậy kỹ năng này nên phát triển từ cấp 2. Kỹ năng nhóm phải đảm bảo kích thích sức học và động não của từng học sinh, tạo cho các em nhận thức được vai trò của nhóm, học nhóm trong phát triển năng lực, trí tuệ và năng lực tổ chức học tập.


- Đổi mới từ thi cử: Trong nhiều năm qua, việc thi cử của các em được toàn xã hội quan tâm, nhất là các bậc phụ huynh. Đối với giáo dục phổ thông hiện nay, thường sử dụng hình thức "học gì thì thi nấy", phương pháp này có cái hay là tạo cho các em có kiến thức tổng hợp, nhưng nhược điểm là học quá nhiều và vô hình dung là học vẹt đối với một số môn học bài.


Gần đây có một số ý kiến cho rằng nên đổi khâu thi cử sang hình thức "thi gì học nấy", hình thức thi này sẽ định hướng cho việc dạy và học của các em tùy theo năng lực và khả năng của từng người, nhưng nhược điểm là dẫn đến tình trạng các em sẽ học cầm chừng và không chú ý nhiều vào những môn đòi hỏi học bài nhiều như địa lý, lịch sử, văn, giáo dục công dân... điều này vô hình dung sẽ dẫn đến các em sẽ dần quên lãng những giá trị đạo đức, nhân văn, giá trị lịch sử.. của nước ta.


Như vậy câu hỏi đặt ra là đổi mới thi cử như thế nào cho phù hợp, giải quyết được những mâu thuẫn đang đặt ra như trên là một bài toán hết sức khó khăn, đòi hỏi các cấp các ngành phải hết sức thận trọng trước khi đưa ra quyết định. Về vấn đề này, có thể xem xét các khía cạnh sau:


Đối với các cấp của giáo dục phổ thông, mục tiêu chung là tạo cho các em có kiến thức tổng hợp trước khi bước vào đời, đây là những kiến thức nền để cho các em có cái nhìn tổng quan về những môn học. Vì vậy, cần phải có một kỳ thi tổng hợp và phù hợp với từng cấp học. Đối với thi vào cấp Trung học cơ sở và thi vào Trung học phổ thông, ngoài việc dạy và học theo chương trình đổi mới như đã đề cập thì kiến thức thi cử cần phải tổng hợp, học sinh phải nắm kỹ và tổng quát kiến thức đã học, 2 cấp này đòi hỏi học sinh cần phải có cái nhìn toàn diện về các môn học, thi phải đảm bảo kiến thức phổ quát về phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, năng lực trí tuệ, đạo đức lối sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử...và có tính tích hợp, liên thông giữa các môn học, xác định đây là cuộc thi phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất đạo đức, thi làm người, chưa đặt nặng về phân cấp mạnh chương trình hay thi để xếp loại học lực trong phân ban chương trình cấp 3 và định hướng nghề nghiệp.


Đối với cấp Trung học phổ thông, đây là giai đoạn quyết định để định hướng cho các em vào đời nên các kỳ kiểm tra cuối lớp hay kỳ thi tốt nghiệp cần phải được phân ban rõ rệt, trong giai đoạn này các em đã có nhận thức sâu hơn về bản thân và kiến thức khá toàn diện đã học ở các cấp dưới, kể cả các kỹ năng như: kỹ năng sống, kỹ năng nhận thức về giá trị chân, thiện mỹ, giá trị nhân văn, lịch sử, quan hệ xã hội...nên thi cử không cần đặt nặng về các kỹ năng này mà cần tập trung vào những môn học mà các em có thể mạnh để học và thi cử, hay nói cách khác cần giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề tự chọn đây mới chính là thi gì học nấy, bản chất của việc làm này là định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai phù hợp với khả năng, năng lực của các em.

Ths Nguyễn Văn Diệu

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ̉ phát triển...