Chi tiết tin

A+ | A | A-

Vài suy nghĩ về vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trong việc tập hợp đội ngũ trí thức tham gia hoạt tư vấn phản biện và giám định xã hội

Người đăng: SuperUser Account Ngày đăng: 15:58 | 11/12/2023 Lượt xem: 117

Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nền tảng của tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, là nguồn lực quan trọng đặc biệt, phản ánh sức mạnh của mỗi quốc gia, dân tộc trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước; trong cuộc chạy đua và cạnh tranh toàn cầu.


Khi xã hội phát triển, các vấn đề về kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tài nguyên môi trường...sẽ thay đổi theo nhiều kịch bản khác nhau, sự tối ưu của từng kịch bản tùy thuộc vào sự đóng góp, chia sẽ của nhiều tầng lớp trong xã hội. Chính vì vậy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có vai trò và ý nghĩa rất to lớn nhằm bổ sung thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách chân thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận xã hội lớn giữa các nhà quản lý, người thực hiện và cộng đồng xã hội; tạo tính khả thi và hiệu quả của từng đề án, dự án.... Có thể hiểu nôm na các khái niệm này như sau:


Tư vấn là hoạt động trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề án, dự án.


Phản biện là hoạt động cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá tính khả thi và các kiến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án đối với mục tiêu và các điều kiện ràng buộc ban đầu hoặc thực trạng đặt ra.


Giám định xã hội là hoạt động theo dõi việc thực hiện đề án, đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án, dự án.


Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, tháng 7-2008, Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đất nước. Ở nước ta, đội ngũ trí thức có cơ quan đại diện là Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.


Từ những những cơ sở khoa học và lý luận nêu trên, theo tôi để phát huy vai trò của cơ quan Liên hiệp hội trong việc tập hợp, phát huy đội ngũ trí thức trong hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, có mấy vấn đề cần suy nghĩ như sau:


Một là: Cơ quan Liên hiệp hội cần phải làm tốt chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thuộc các thành phần kinh tế, đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu; từng bước làm tốt chức năng điều hoà, phối hợp hoạt động các hội thành viên, phát huy tiềm năng của họ góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc làm này có thể thông quan các giải pháp sau:


+ Xây dựng bộ dữ liệu đội ngũ trí thức trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề, trình độ chuyên môn, các công trình nghiên cứu, các đề tài khoa học, các phát minh sáng chế ... của các nhà khoa học, đội ngũ trí thức.


+ Hình thành danh mục đội ngũ chuyên gia và các nhóm chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín trên các lĩnh vực cần tư vấn, phản biện xã hội: bởi để thực hiện tư vấn, phản biện bất cứ một chương trình, đề án, dự án quy hoạch nào... thì việc lựa chọn các chuyên gia có uy tín, đúng chuyên ngành và lĩnh vực là việc không dễ.


Đối với Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Kết luận số 106-KL/TU ngày 02/10/2013 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị trong đó có đề cập đến việc đặt hàng cơ quan Liên hiệp hội tỉnh xây dựng bộ dữ liệu đội ngũ trí thức là con em người Quảng Nam hiện đang sinh sống trong và ngoài nước với mục đích là thông qua bộ dữ liệu này, Lãnh đạo tỉnh, các ngành các cấp có thể trao đổi, tiếp cận các nhà khoa học, các chuyên gia trong việc tư vấn, phản biện xã hội, hay đề xuất xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND ngày 21/01/2014 về triển khai nội dung này.


+ Xây dựng diễn đàn khoa học mở theo từng chủ đề, vấn đề xã hội đang quan tâm gắng với các nội dung, chương trình của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trên internet thông qua hệ thống website của cơ quan Liên hiệp hội, trên cơ sở đó, đội ngũ trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước có thể trao đổi thông tin, chia sẽ kinh nghiệm về từng nội dung của chủ đề hay vấn đề đó. Có thể nói đây là kênh thông tin gián tiếp rất quan trọng nhằm tạo điều kiện cho các nhà quản lý có cái nhìn tổng quan hơn về những chương trình, đề án sắp quyết định hoặc thông qua.


+ Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Cơ quan Liên hiệp hội và các Hội thành viên nhằm gắn kết trách nhiệm, tham gia trong công tác tư vấn, phản biện xã hội và tổ chức các hoạt động khoa học, phổ biến kiến thức...


Hai là: Đề xuất phạm vi tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Không phải mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đều phản biện, chính vì vậy cần có văn bản quy định cụ thể về tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2014/QĐ – TTg ngày 14/2/2014 về tư vấn, phản biện và giám định xã hội, vì vậy các địa phương cần cụ thể hóa quyết định này cho phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, cần quy định rõ, các lĩnh vực, ngành nghề, dự án, đề án... cần phải có ý kiến tư vấn phản biện của cơ quan Liên hiệp hội hội trước khi cơ quan chức năng thông qua, không thể nói chung chung có ý kiến cũng được mà không có ý kiến cũng được. Đối với Quảng Nam, hướng đề xuất của cơ quan Liên hiệp hội tập trung vào các các nội dung sau:


- Lĩnh vực tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường và chính sách phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh.


- Loại chương trình, dự án, đề án, kế hoạch... cần lấy ý kiến Tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh gồm:


+ Các văn bản quy phạm pháp luật.


+ Các Đề án của UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trước khi ra Nghị quyết của HĐND tỉnh.


+ Các đề án về phát triển giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành của tỉnh.


+ Cơ chế chính sách liên quan đến thu hút, sử dụng và phát triển đội ngũ trí thức của tỉnh.


Ba là: Đề xuất với các cơ quan chức năng trong việc khắc phục tư tưởng thiếu coi trọng các ý kiến nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị, phản hồi của trí thức đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay. Các ý kiến của đội ngũ trí thức cần được các cơ quan Đảng, nhà nước ghiên cứu, tiếp thu một cách nghiêm túc. Tránh những biểu hiện dân chủ hình thức "trí thức cứ bàn, việc ta cứ làm".


Bốn là: Xây dựng nếp sống văn hoá, dân chủ trong tranh luận, phản biện xã hội. Theo đó, cần có cơ chế, quy chế, quy định rõ mức độ công khai, tự do tranh luận cũng như quy trình tập hợp ý kiến, báo cáo và trả lời lại các ý kiến, kiến nghị đã góp ý.


Năm là: Liên hiệp hội cần làm việc với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước có cơ chế, chính sách để đãi ngộ, chiêu hiền đối với đội ngũ trí thức, nhất là đối với đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học có uy tín, chính sách này phải hết sức tránh cách nghĩ cho rằng trí thức luôn luôn đòi hỏi sự đãi ngộ.

 

Ths.Nguyễn Văn Diệu – Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học tỉnh Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) đang trở thành một vấn đề ngày càng được cả cộng đồng xã hội quan tâm, là một tác nhân kinh tế ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh ̉ phát triển...